Kinh nghiệm viết văn
Muốn viết được một bài văn hay cần làm tốt 6 việc sau :
1.Đọc kĩ đề; 2.Lập dàn ý; 3.Viết mở bài; 4.Viết thân bài; 5. Viết kết bài; 6. Đọc lại, soát lỗi
KINH NGHIỆM VIẾT VĂN HAY
1.Đọc đề: phải đọc thật kĩ xem đề yêu cầu gì để khỏi lạc đề.
2.Lập dàn ý sau đó viết:
+Dựa vào dàn bài chung để lập dàn ý; phải lập nhanh dàn ý: khoảng 1-2 phút; dàn ý cực kì quan trọng bởi vì đó là định hướng để viết; đó là bộ khung xương của bài văn. Lập dàn ý xong thì dựa vào dàn ý để phát triển và hoàn thiện bài văn.
+ Có dàn ý rồi thì viết luôn, nhưng trước khi viết mỗi câu, mỗi ý, mỗi đoạn vào bài nên nháp nhanh bởi vì chỉ có nháp nhanh mới ghi kịp mạch văn đang tuôn ra rào rào; vì nháp nhanh nên phải ghi thật nhanh để theo kịp mạch tư duy, mạch văn, nếu không sẽ mất ý tưởng; ( nên viết láu, viết tắt) sau đó nhẩm to câu văn đó lên xem thấy có trôi chảy, mạch lạc không, có hợp lí không, có mượt mà sinh động giầu hình ảnh không; nếu thấy hay thì viết thật vào bài. Khi viết thật vào bài thì nên viết cẩn thận, không được sai lỗi chính tả, trình bày sao cho sáng sủa, đúng quy định.
3.Viết mở bài: mở bài phải viết thật tự nhiên thoải mái, không gò bó, không máy móc áp đặt, không dập khuôn máy móc theo văn của cô hoặc trong quyển văn mẫu; mỗi em vào bài một kiểu, đừng để cả lớp 1 kiểu vào bài. Vào bài dễ nhất là vào trực tiếp, căn cứ vào yêu cầu của đề để vào luôn; coi đó là mục tiêu, là định hướng để viết về sau.
4.Viết thân bài:
+ Dựa vào dàn bài để viết thân bài. Phải xắp xếp các ý sao cho lô zíc, hợp lí; chuyển ý sao cho khéo léo, mềm mại, hợp lý. Diễn đạt sao cho mạch lạc, mượt mà, đừng lủng củng. Diễn đạt sao cho thật ngắn gọn, xúc tích, đủ ý. ( Viết câu nào chất lượng câu đó). Lớp 5 một bài văn chỉ cần 1 trang ô li = 25 dòng.
Lưu ý khi viết:
*Về dùng từ:
+ Chọn từ phải chính xác, có tính gợi tả, gởi cảm cao; phải dùng từ phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, ai cũng biết. Khéo léo khi dùng từ ghép, từ láy, tượng thanh, tượng hình; phải biết dùng những động từ mạnh; tuyệt đối không dùng từ chung chung, mơ hồ, tối nghĩa.
+ Phải vô cùng khéo léo trong sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ, nói giảm, nói tránh, nói quá, phép đối xứng, điệp từ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, liệt kê, dấu ba chấm, chơi chữ….Mục đích là để gây ấn tượng mạnh, có hồn, sôi nổi, sinh động, giầu hình ảnh.
*Về đặt câu:
+ Viết phải thành câu, có chủ ngữ, vị ngữ; đầu câu phải viết hoa, cuối câu phải có dấu câu; không được ghi liều dấu câu.
+Phải đặt câu linh hoạt, không nhất thiết cứ phải viết theo một công thức nhất định, đơn điệu VD chủ trước, vị sau mà có thể thay đổi cách diễn đạt VD dùng biện pháp đảo ngữ - đưa vị ngữ lên trước để nhấn mạnh, để gây ấn tượng về nội dung biểu đạt.
+ Câu văn phải có hình ảnh sinh động, gợi tả, gợi cảm cao.
*Về trình bày-chính tả: Chữ viết phải rõ ràng, ngay ngắn, sach, đẹp, không dập xoá; viết hoa đúng chỗ, đúng chính tả; các đoạn văn được phân bố hợp lí (không nên quá dài hoặc quá ngắn).
5. Viết kết bài: viết ngắn gọn, không nặng nề, máy móc.
6. Đọc lại, soát lỗi: Viết xong bắt bộc phải đọc lại để soát lỗi, sửa chữa sai sót.
Người viết : Phạm Quang Đề